Doanh nghiệp Việt có “nâng cấp” nhân lực?
Trong bối cảnh hội nhập, “tăng tốc” đang được xem là yêu cầu bức thiết với các doanh nghiệp (DN) trong nước. Và chiến lược quản trị nhân sự, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò lớn trong chuyện này. Đây cũng là bài toán mà các DN Việt cần nhanh chóng tìm ra lời giải để tăng khả năng cạnh tranh.
Việc thiếu lao động có tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao và nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn là nỗi lo lâu nay của các DN Việt Nam. Nếu đánh giá theo thang điểm 10, chất lượng nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm – xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB).
“Điểm nghẽn” phát triển
Theo Ts. Lê Đăng Minh (Khoa Kinh tế trường Đại học Văn Hiến), tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường lao động chính thức còn thấp, mới đạt khoảng 30%, lý do chủ yếu là xuất phát điểm của Việt Nam rất thấp, cơ cấu kinh tế chủ yếu vẫn là nông nghiệp.
Hơn nữa, chất lượng và cơ cấu lao động vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập. Như lời Ts. Minh, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam hiện vẫn thấp so với yêu cầu của thị trường lao động và so với các nước khác, và được xem là một trong những “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển.
“Thách thức đặt ra đối với nguồn nhân lực Việt Nam là rất lớn. Đó là vấn đề trình độ chuyên môn của người lao động, là sự cạnh tranh của lao động có tay nghề cao và cả tình trạng chảy máu chất xám sang các nước phát triển hơn trong khu vực. Việt Nam cần bình tĩnh đón nhận những thách thức này và đề ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực sao cho phù hợp, hiệu quả với tình hình thực tế” – Ts. Lê Đăng Minh khuyến cáo.
Trong buổi toạ đàm về phát triển nguồn nhân lực với chủ đề “Kinh tế Việt Nam tăng trưởng – người Việt Nam tăng tốc” tổ chức tại Tp.HCM hôm 28/9, giới chuyên gia trong và ngoài nước cũng bày tỏ sự quan ngại về những bất cập trong việc phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay.
Theo hai chuyên gia Lennard Boogaard (Chủ tịch nhân sự Khu vực Đông Nam Á và châu Úc, công ty Unilever) và Peter Henriques (Tổng Giám đốc khu vực, công ty British American Tobaco BAT), trước đây, các DN Việt gặp nhiều thách thức về tài chính và sản phẩm thì nay khó khăn lớn của các DN lại chính là nguồn lực con người.
Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố cần thiết cho Việt Nam khi mở cửa cạnh tranh với các quốc gia khác
Hai vị chuyên gia này nhận định mặc dù nguồn nhân lực trẻ của Việt Nam có nhiều lợi thế để cạnh tranh nhưng vẫn yếu so các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Philippines. Và thực tế là ngày càng có nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao từ nước ngoài đang đặt chân vào thị trường nhân sự Việt Nam.
Một kết quả khảo sát hồi năm 2015 cho thấy cơ cấu trình độ nguồn lao động Việt Nam là một đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 trung cấp – 0,4 sơ cấp. Điều này, theo giới chuyên gia, có nghĩa là thừa thầy thiếu thợ, ngược chiều với thế giới. Bởi vì, theo quy luật, những người lao động trực tiếp trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp.
Cốt lõi nhân lực
Ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Techombank nhận định rằng những khó khăn về chiến lược quản trị nhân sự được nhiều DN trong nước cũng thừa nhận còn khó khăn hơn cả chuyện vay vốn. Nhưng chính tư duy này sẽ giúp DN nhập cuộc chơi, tăng tốc trong tư thế thắng trước các đối thủ cạnh tranh.
Nhưng vị lãnh đạo Techombank lưu ý, một trong những yếu tố để nguồn nhân lực Việt phát huy nội lực chính là hệ thống và sự hợp tác giữa các thành viên trong một DN với nhau.
Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia có nguồn nhân lực và lao động khá dồi dào. Tuy nhiên, chất lượng lao động mới là yếu tố cần thiết khi mở cửa cạnh tranh với các quốc gia khác.
Theo báo cáo khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới 2014-2015, hơn 10% số người được yêu cầu chọn 5 vấn đề khó giải quyết nhất khi kinh doanh tại Việt Nam xác định rằng lực lượng lao động không được đào tạo đầy đủ là một trong những vấn đề chính.
Băn khoăn về vấn đề này, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng chất lượng nguồn nhân lực đang là “điểm nghẽn” trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và sáng tạo. Điều đó càng đòi hỏi cần những thay đổi tư duy đào tạo nguồn nhân lực.
Như cảnh báo của bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ, có không ít DN vẫn không coi bộ phận quản trị nhân sự là quan trọng. Thực chất trong 10 năm trở lại đây, cụ thể là PNJ, trước những khó khăn, áp lực phát triển thì vấn đề nhân lực luôn được xem là quan trọng và luôn chăm sóc cho việc phát triển.
Vì vậy, theo khuyến nghị của vị lãnh đạo PNJ, nếu các DN Việt muốn “tăng tốc” phát triển thì việc cần làm bây giờ là chăm sóc bộ phận phát triển nguồn nhân lực. Và các DN nhỏ và vừa phải coi đó phần cốt lõi để đưa DN đi đến sự phát triển, cho nên cần xây dựng phòng quản trị nhân lực bài bản, chuyên nghiệp.
“Trong thời kỳ hội nhập, các ông chủ, lãnh đạo DN nên thay đổi tư duy về nguồn nhân lực, phải coi đó là tài sản, vốn liếng cần phải chăm sóc chứ không phải đơn giản chỉ là tiền hay nhà máy” – bà Dung bộc bạch.